Không phải khi trở thành người lớn thì tôi không còn bị bắt nạt hay bị trêu chọc nữa. Mới gần đây thôi, tôi đi bơi ở khách sạn với các bạn trong một chuyến du lịch và bị một gã say rượu ném vào mình những lời thô tục. Nhiều người quan niệm một cách sai lầm rằng chuyện bắt nạt là chuyện của trẻ con. Chuyện nữ cảnh sát bị đồng nghiệp nam trêu chọc, hăm dọa và xa lánh là một bằng chứng. Hoặc chuyện một người đàn ông lớn tuổi sống trong nỗi sợ bị những đứa trẻ mới lớn ở khu chung cư bắt nạt. Hay chuyện một thiếu niên có trang web bị “oanh tạc” bởi những lời tàn nhẫn gây tổn thương.
Những hành động bắt nạt xảy ra dưới nhiều hình thức, từ việc gọi ai đó bằng tên xấu, trêu chọc, xì xào bằng những lời gây tổn thương đến việc đánh đập, bắt nạt qua phương tiện thông tin, bao gồm việc sử dụng Internet, các mạng xã hội, tin nhắn, điện thoại di động để quấy rầy và hăm dọa người khác. Hầu hết các cuộc nghiên cứu cho thấy khoảng 25 đến 40% người trẻ tuổi nói rằng họ từng bị bắt nạt ở trường học. Năm 2011, một tổ chức giáo dục ở Mỹ công bố một báo cáo cho thấy gần như tất cả các học sinh trước khi bước vào trường trung học phổ thông đều đã từng bị bắt nạt. Báo cáo đó cho biết thêm rằng việc bắt nạt có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần, các vấn đề về thể chất, cảm xúc, các vấn đề xã hội và học tập.
Kerry Kennedy, Chủ tịch của Trung tâm Robert F.Kennedy Về Sự Công bằng và Quyền Con người, đã mô tả những hành động bắt nạt là một dạng vi phạm nhân quyền, và năm 2010 Bộ Giáo dục của Mỹ lần đầu tiên đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh toàn liên bang để bàn về tình trạng bắt nạt và bị bắt nạt diễn ra tại các trường học.
Bắt nạt không phải là chuyện của trẻ con nữa. Tất cả chúng ta đều trải nghiệm sự quấy rầy và hăm dọa ở mức độ ít nghiêm trọng khi chúng ta còn bé. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây thói bắt nạt đã leo thang, trở thành sự ngược đãi về cảm xúc, thân thể và tinh thần nghiêm trọng được thực hiện trực tiếp, hoặc gián tiếp qua Internet và điện thoại di động. Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi bắt nạt là “một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng” trong trường học, tại công sở và trong xã hội nói chung, nơi các nhóm thiểu số, những người đồng tính phải chịu đựng hàng ngày.
Thói bắt nạt ở nơi làm việc cũng phổ biến và nguy hại như ở trường học. Thói bắt nạt bao gồm đủ mọi dạng, từ hăm dọa bằng lời nói và hành động đến việc lan truyền những tin đồn, xa lánh, làm mất uy tín, nói xấu sau lưng, và sử dụng quyền lực để đòi hỏi những thứ ngoài phạm vi công việc. Một cuộc nghiên cứu cho thấy 37% người Mỹ bị bắt nạt ở nơi làm việc và 40% số người bị bắt nạt không báo cho nhà tuyển dụng biết mình bị bắt nạt. Gần một nửa số người bị bắt nạt phải chịu đựng các vấn đề về sức khỏe liên quan đến sự căng thẳng, trong đó có chứng lo âu và tâm trạng buồn chán, khổ sở.
Theo nhiều cuộc nghiên cứu, những người bị bắt nạt hoặc những người từng chứng kiến hành động bắt nạt phải đối mặt với nguy cơ tự cô lập mình, lạm dụng rượu cồn và chất kích thích, phải chịu đựng các vấn đề về sức khỏe và chứng trầm cảm, và có xu hướng tự gây tổn thương cho bản thân. Cũng có những báo cáo về các nạn nhân của các vụ bắt nạt phản ứng lại bằng bạo lực khiến những người vô tội không may lại bị thương tích, hoặc thậm chí bị giết hại.