Sáng sớm hôm sau tôi cùng với Richie, người chăm sóc của tôi, lập tức đến Đại sứ quán Mỹ để cố tìm hiểu xem visa của tôi có hại gì cho an ninh quốc gia. Khi đến đó, chúng tôi thấy ở khu vực tiếp tân của đại sứ quán có rất nhiều người đang cố giải quyết các vấn đề của mình. Chúng tôi lấy số, giống như xếp hàng ở một cửa hiệu bánh mì vậy. Cuộc chờ đợi kéo dài đến nỗi trước khi chúng tôi được gọi vào gặp người của đại sứ quán thì tôi đã kịp ngủ một giấc dài.
Thường thì khi căng thẳng, tôi lại trở nên hài hước. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng có tác dụng. “Có vấn đề với dấu vân tay của tôi trên visa phải không ạ?”, tôi đùa. Người của đại sứ quán nhìn tôi trừng trừng. Rồi ông ta gọi cho cấp trên của mình. (Chẳng lẽ khiếu hài hước của tôi là mối đe dọa đối với an ninh của nước Mỹ?).
Cấp trên của ông ta tới, trông cũng lạnh lùng không kém, đến nỗi tôi hình dung ra cảnh mình phải ở sau song sắt.
“Tên của anh đã trở thành một phần của một cuộc điều tra”, ông ta tuyên bố như một cái máy. “Anh không thể trở về Mỹ cho đến khi mọi chuyện được làm sáng tỏ. Quá trình điều tra có thể kéo dài một tháng”.
Tôi cảm thấy như thể máu trong người mình khô cạn. Không thể có chuyện như vậy được. Richie sụp xuống sàn. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ cậu ấy bị ngất, nhưng hóa ra cậu sụp xuống để cầu nguyện trước cả hai trăm người có mặt ở đó. Đúng vậy, Richie là một người chăm sóc rất tận tâm. Cậu giơ hai cánh tay lên trời, chắp hai bàn tay vào nhau, cầu xin Đức Chúa Trời hãy ban cho chúng tôi một phép màu để chúng tôi có thể trở về nhà.
Cùng một lúc, tôi thấy mọi thứ xung quanh mình vừa như đang trôi nhanh vừa như đang chuyển động một cách chậm chạp. Trong khi đầu óc tôi quay cuồng, nhân viên đại sứ quán cho biết thêm rằng tên của tôi có thể được gắn thẻ đánh dấu do tôi đã đi đến nhiều nơi trên thế giới. Họ nghi ngờ tôi là một tên khủng bố quốc tế ư? Một kẻ buôn bán vũ khí không có tay ư? Thú thực tôi chưa bao giờ gây hại cho ai hết.
“Thôi nào, tôi hỏi thật, tôi như thế này làm sao có thể là người nguy hiểm được?”, tôi hỏi nhân viên đại sứ quán. “Ngày mai tôi có cuộc gặp với tổng thống và phu nhân của ông ấy tại phủ tổng thống trong bữa tiệc Ngày Chúa Ba Ngôi, vậy thì làm sao có thể coi tôi là một mối đe dọa được”.
Nhân viên đại sứ quán Mỹ không hề động lòng. Ông ta nói: “Anh có gặp Tổng thống Obama chăng nữa thì tôi cũng không quan tâm. Anh không được quay trở lại nước Mỹ cho đến khi cuộc điều tra kết thúc”.
Tình huống này có thể là chuyện khôi hài nếu như lịch của tôi không gồm một danh sách dài các buổi diễn thuyết ở Mỹ. Tôi phải trở về Mỹ.
Tôi không định ngồi khoanh tay đợi ai đó quyết định rằng sự có mặt của Nick ở nước Mỹ không gây ảnh hưởng gì cho sự an toàn của người Mỹ. Tôi nài xin nhân viên đại sứ quán thêm vài phút nữa, giải thích những việc tôi phải làm, nêu tên của một số nhân vật quan trọng, nhấn mạnh rằng các nhân viên của tôi và những đứa trẻ mồ côi đang mong ngóng tôi trở về.
Ông ta gọi điện cho ai đó cấp cao hơn rồi nói: “Tất cả những gì họ có thể làm là cố gắng đẩy nhanh quá trình điều tra. Sẽ phải mất ít nhất hai tuần”.
Hai tuần ư? Tôi có đến hơn mười cuộc diễn thuyết đã được lên kế hoạch trong hai tuần ấy. Nhưng người của đại sứ quán không hề tỏ ra thông cảm. Chúng tôi chẳng thể làm gì hơn là trở về khách sạn, bắt đầu cuống cuồng gọi điện cho tất cả những người tôi quen biết để nhờ họ giúp đỡ, để nhờ họ cầu nguyện cho chúng tôi.