Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đô thị, nó quen ngày ngày nhìn những hàng xe nườm nượp đi lại, những nhà máy nhả khói mù mịt lên trời. Hai năm, có khi là ba năm nó mới được về thăm ông bà một lần ở cái nơi mà nó gọi là “nông thôn” ấy. Ngồi trên ô tô nó ngán ngẩm nhìn đồng lúa xanh mượt trải dài như vô tận và tự hỏi tại sao bố mẹ không cho nó đi chơi đâu đó thay vì về cái nơi vô vị này.
Vừa tới cổng, nó đã thấy bà chạy ra đón cả nhà. Bà xoa đầu nó. Nó nhăn mặt. Chợt nó thấy ở phía xa ông đang đứng một mình nhìn ra phía nó, khó khăn dựa người vào tường vì một chân tàn tật không chống đỡ nổi cơ thể. Dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, nó thấy má ông như hồng lên, mắt long lanh nước, đôi môi run run và như muốn bước đi thêm chút nữa. Có lẽ ông cũng rất xúc động, vui mừng vì sự có mặt của gia đình nó.
Nó tiến vào sâu hơn, chào ông rồi cùng mẹ và bố vào nhà. Ngôi nhà cấp bốn theo thời gian cũng già đi nhiều so với hai năm trước nó về. Sơn nhà bị tróc ra loang lổ những màu vàng, trắng lẫn lộn. Mái ngói phai dần màu và đã mọc rêu xanh. Mạng nhện giăng dày ở những góc khuất trên trần nhà. Nó nhìn kĩ ngôi nhà rồi mới ngập ngừng bước vào.
***
Trong nhà bố đang nói chuyện với ông, mẹ đã đi chợ cùng bà. Nó ngán ngẩm nhìn ra ngoài vườn rồi lại nhìn ông và bố. Với ông, nó không có những tình cảm thực sự gần gũi và sâu sắc. Lí do đầu tiên là vì nó ít được về quê. Và lí do quan trọng hơn đó là nó có ác cảm với cái chân tàn tật của ông. Từ khi nó còn nhỏ, ông chưa bao giờ từng một lần bế thốc nó lên, quay vòng và chơi đùa với nó bởi việc đi lại đã là quá khó khăn. Nó từng khát khao điều đó khi nhìn bạn bè được ông bế lên vai cùng chơi đùa rồi cười nắc nẻ. Ngay từ nhỏ, với nó ông chỉ là người đàn ông với cái chân tàn tật.
Nhưng tuy đi lại khó khăn ông luôn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động, công việc tập thể. Khi đã nhận trách nhiệm gì thì dù thời tiết có khắc nghiệt đến mấy ông vẫn cố hoàn thành. Trời mưa bão thì chuyện đi lại của ông lại trở lên khó khăn bội phần nhưng điều đó không thể là lung lay tinh thần của ông. Mỗi khi nghe bà hay mẹ kể lại những chuyện của ông nó lấy làm lạ là do đâu mà ông lại có cái nhìn lạc quan để vượt qua mọi chuyện như thế. Nó chưa bao giờ nghe thấy ở ông một than vãn hay một cảm giác đắng cay nào.
Tuy nó thực sự khâm phục những nghị lực của ông nhưng ông vẫn quá xa lạ với nó. Nó tự hỏi một thằng con trai có thể làm gì ở cái nơi nhạt nhẽo xa lạ này trong một tuần. Cảm giác buồn chán khiến nó uể oải.
Sáng hôm sau, khi nó còn đang say giấc thì bị mẹ gọi dậy bảo:
- Con hãy đi với ông ra mộ cô đi. Ông đi lại khó khăn không thể để ông đi một mình được.
Nó nhăn mặt, úp gối định ngủ tiếp thì bố cũng bảo nó nên đi. Thế là nó mất giấc ngủ ngon lành.
Khi biết rằng nó sẽ đi cùng, ông cười tươi. Nụ cười hiền hậu không thể che đi được những nét khắc khổ trên khuôn mặt ông. Ông bảo với nó:
- Cháu trai chúng ta xuất phát nào.
Khi đi cùng với ông ra ngoài nó bỗng cảm thấy ngượng nghịu. Chân của ông bị tật rất nặng, khiến cả người ông phải khòm xuống trông vô cùng nặng nề. Dù cố gắng nhưng khi đã đi được một đoạn dài ông thường mất thăng bằng vịn vào tay nó. Cái nhìn tò mò của mọi người xung quanh làm nó thấy khó chịu vô cùng. Ông thì hoàn toàn không quan tâm tới chuyện đó vì với ông công việc tập trung đi lại đã mất quá nhiều thời gian và sức lực. Những bước chân của ông thường ngắn và không đều nhau. Ông không thể cùng nhịp bước với nó được.
Quãng đường từ mộ trở về, nó dường như phải dìu ông đi. Khuôn mặt nó không lúc nào thôi nhăn lại vì lúng túng với ánh mắt của mọi người. Nó càng bước nhanh hơn. Trên đường hai ông cháu không nói chuyện với nhau một lời nào. Ông dường như cũng cảm thấy sự khó chịu của nó nên trong lúc thở hổn hển vì mệt nhọc, ông nói:"Cháu bước trước đi, ông sẽ ở sau cháu".