Vậy cũng tốt. Tòa sẽ chẳng lý do gì mà hòa giải nữa. Ngày mốt, con với mẹ đi Sài Gòn. Mẹ phải đến tòa án trình bày sự việc để họ đăng ký cho xong. Từ bây giờ cho đến chết, mẹ chẳng muốn dính líu gì đến ba của con nữa. Còn phần con, thu dọn đồ đạc mà về đây sống với mẹ đi.
– Mẹ! Con xin phép mẹ được ở lại Sài Gòn.
Bà Tố Lan trừng mắt:
– Con muốn mẹ tức chết hay sao mà ở lại Sài Gòn? Ở lại để chung sống với người cha bạc bẽo của con và người đàn bà nào đó à? Mẹ cho rằng con chẳng lý do gì mà ở lại Sài Gòn nữa. Về mau!
– Mẹ! Con lên Sài Gòn sẽ thuê nhà riêng để ở, không chúng với ai đâu.
– Bây giờ con ở Sài Gòn chẳng còn ai, tại sao phải nhất định ở Sài Gòn thì mới được?
– Tuy rằng con ở Sài Gòn chẳng còn ai, nhưng con không muốn xa Sài Gòn mẹ à. Con muốn làm việc ở đó, được sống ở đó.
Bà Tố Lan nhìn con gái rồi thở hắt ra:
– Mẹ chẳng biết chừng nào con mới hết bướng bỉnh, chừng nào con mới nghe lời mẹ đây. Mẹ biết nếu có tranh cãi tới sáng với con thì con cũng quyết lở lại Sài Gòn thôi. Được rồi, cái kẻ thất bại này sẽ chẳng bao giờ nói gì tới con nữa. Con thích sao thì cứ làm đi.
– Mẹ ....
Bà Tố Lan quay mặt đi, Tố Như đến gần ôm cánh tay bà, giọng buồn:
– Con xin lỗi. Con xin mẹ đừng giận con. Con hứa sẽ về thăm mẹ thường xuyên.Con hứa mỗi tháng sẽ về thăm mẹ thường xuyên. Con hứa mỗi tháng về chơi với mẹ. Con trước sau gì cũng là con gái của mẹ, yêu thương mẹ hết lòng.
– Thấy mẹ bị bội bạc, con nói an ủi mẹ đó à?
Bà Tố Lan quay lại, nước mắt ràn rụa, bà ôm chầm lấy Tố Như, âu yếm vỗ về:
– Con là con gái, sống xa mẹ một ngày là mẹ lo lắng một ngày, từ nay lại phải sống một mình, bất cứ chuyện gì cũng phải cẩn thận biết không? Đừng có tin người,coi chừng người lường gạt. Còn nữa có quen bạn trai thì phải dò xét cho kỹ lưỡng, coi chừng quen nhầm người đã có vợ thì khổ một đời con. Chừng nào thuê nhà, dọn nhà xong rồi thì nhớ cho mẹ địa chỉ.
– Con nhớ rồi, nhớ hết từng lời của mẹ. Con cũng đã lớn khôn rồi, xin mẹ yên tâm.
– Yên tâm sao được mà yên tâm. Nhưng thôi đi, tại cái số của mẹ phải chịu đổ vỡ, phải chịu nhiều âu lo như vậy.
Cảm thấy có lỗi khi không cho được con cái một mái ấm gia đình trọn vẹn, bà Tố Lan lại khóc. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau khóc rất lâu.
Một thời gian ngắn sau đó, tòa án cũng thuận tình cho ông Vĩnh Thành và bà Tố lan ly hôn, bà Tố Lan đi xe hơi từ Vĩnh Long lên Sài Gòn dự phiên tòa xét xử rồi quay về ngay.
Trong thời gian này, Tố Như cũng đã thuê nhà dọn ra ở riêng. Cả ba và mẹ đều có địa chỉ của nàng, nhưng mẹ thì ở quá xa, còn ba tuy gần nhưng vốn dĩ tình cha con cũng đã lợt lạt đi rồi.
Sau chặng đường quanh co, giờ đây Tố Như lại tiếp tục bước trên con đường phẳng lặng. Nàng xin được việc làm trong một công ty tư nhân, không còn làm nghề chép tranh nữa. Tuy nhiên nàng vẫn vẽ, mỗi tối đều vẽ, rảnh rỗi thì vẽ.
Tranh của nàng gần đây có bóng dáng của mỗi người đàn ông, có bóng dáng của tình yêu, của hoài mong, của khát khao. Nhưng nàng lại tỏ ra rất chặt lòng không đi tìm người ấy. Nàng lưu giữ kỷ niệm, trân trọng kỷ niệm nhưng không bao giờ muốn biến thành người thứ ba phá hoại hôn nhân của người khác.
Và rồi một ngày nọ, nàng hoàn toàn chao đảo khi phát hiện ra nàng mang thai. Phá bỏ hay là giữ lấy? Phá bỏ thì không đành, nhưng giữ lấy thì vương mang tội lỗi.
Trong lúc rối trí, trong lúc cùng đường đã mấy lần định gọi điện thoại cho Hải Sơn, nhưng rồi lần nào nàng cũng nhấc lên đắn đo thật lâu và bỏ xuống nén chặt nỗi đau vào lòng.
Một đứa bé. Tại sao nàng không có một đứa bé thuộc về của riêng nàng, chỉ một mình nàng thôi? Nàng có cái quyền sanh con mà không cần cha kia mà.