Cảnh sát lùng bắt tên mang súng bí mật
Đêm qua, trong vòng hai tiếng đồng hồ, một kẻ lạ mặt đã dùng súng giết người một cách dã man. Nạn nhân là Ellen Kingship, hai mươi mốt tuổi, ở thành phố New York và Dwight Powell, hai mươi ba tuổi, ở Chicago, sinh viên năm thứ ba đại học Stoddard.
Powell đã bị giết vào khoảng mười giờ tối, tại căn nhà của bà Elizabeth Honig, số 1520 đường 35 khu tây, nơi Powell ở trọ. Theo cảnh sát cho biết, Powell về nhà, lúc chín giờ mười phút cùng đi có cô Kingship. Nạn nhân lên phòng ở tầng hai và chạm mặt với tên trộm vũ khí. Tên trộm đã lẻn vào nhà trước khi họ về bằng cửa sau.
Theo kết quả xét nghiệm của các bác sĩ thì cô Kingship bị giết vào khoảng nửa đêm. Tuy nhiên mãi đến bảy giờ hai mươi sáng mới phát hiện ra thi thể của nàng, khi ông Willis Herne ở gần khu vực xảy ra thảm kịch, đi ngang qua để đến cơ quan.
Do nguồn tin của Gordon Gant, nhân viên của đài KBRI, cảnh sát đã được biết nạn nhân chính là chị của cô gái đã nhãy lầu tự tử vào tháng tư năm vừa qua tại tòa Hành chính.
Leo Kingship, chủ tịch công ty Kingship Copper, cha của cô gái bị giết, sẽ đến Blue River trưa nay, cùng đi với cô con gái đầu là Maroin Kingship.
Báo Clarion Ledge thứ năm tháng 4-19…
GORDON GANT BỊ SA THẢI
Trong việc sa thải Gordon Gant khỏi nhiệm sở, ban Giám đốc đài KBRI cho biết: mặc dầu đã nhiều lần được nhắc nhở, cảnh cáo, Gordon Gant vẫn cứ dùng điện đài của cơ quan để quấy nhiễu và phát biểu có tính cách phỉ báng Sở cảnh sát. Sự kiện trên hình như có liên quan đến cái chết Ellen và Powell cách đây một tháng, việc mà Gant rất quan tâm.
Việc chỉ trích công khai của Gant là thiếu thận trọng, nhưng quả thật, nói cho cùng, Sở cảnh sát vẫm dậm chân tại chỗ và chưa có một nỗ lực nào trong việc điều tra vụ án. Chúng tôi gần như bắt buộc phải chấp nhận luận cứ của Gant là đúng.
Cuối năm học, hắn quay về Menasset. Hắn quanh quẩn mãi trong nhà với thái độ chàn chường. Mẹ hắn cố gắng tìm cách dẹp bỏ vẻ ủ rũ của hắn và sau đó bà trách mắng hắn. Hai mẹ con tranh cãi nhau một trận dữ dội. Để bứt ra khỏi nhà, hắn nhận việc tại cửa hàng bán đồ lót đàn ông. Từ chín giờ sáng đến năm giờ ba mươi chiều, hắn đứng sau cửa kính quầy hàng mà không một lần nhìn đến những sợi dây đồng viền quanh quầy.
Vào một ngày tháng bảy, hắn lấy từ trong tủ áo quần ra một chiếc hộp bằng sắt. Hắn để trên bàn rồi mở hộp lấy ra những mẩu báo viết về vụ Dorothy tự tử, xé nhỏ thành những mảnh vụn và vất vào sọt rác. Hắn vứt luôn những bài viết về Ellen và Powell. Sau đấy hắn lôi quyển sách nói về công ty Kingship mà hắn đã viết thư xin lần thứ hai khi hắn bắt đầu quen Ellen.
Tay vừa xé quyển sách, hắn chợt nghĩ đến Dorothy và Ellen, môi mỉm nụ cười buồn thảm.
Hình như hắn vừa nghĩ đến những tờ Trung thành Hy vọng và một từ vừa mới nảy sinh trong đầu hắn: Nhân đạo, cho cân xứng với ba tên: Dorothy, Ellen… Marion.
Hắn cười thầm và định xé mấy quyển sách kia. Nhưng bỗng nhận ra là không nên làm như thế, hắn chầm chậm để mấy quyển sách nhỏ lên bàn, đưa tay vuốt thẳng những nếp gấp một cách máy móc.
Hắn đẩy cái hộp và những quyển sách vào trong hộc bàn, ngồi xuống và lấy một mảnh giấy, ghi ở trên đó chữ “Marion”, rồi vạch một đường chia làm hai cột, một cột đề chữ “thuận”, cột kia chữ “chống”.
Hắn ghi dày đặc ở cột “thuận”: những lần nói chuyện với Dorothy, với Ellen, những vấn đề liên quan đến Marion, sở thích của Marion, những điều nàng không ưa thích, quan điểm, quá khức của Marion. Hắn biết Marion thích đọc loại sách nào mặc dù chưa từng gặp nàng. Hắn biết cả sự cô độc, nỗi cay đắng, cách sống tách biệt của nàng… Cột này được ghi khác đầy đủ và hoàn hảo.
Tình cảm của hắn cũng ghi ở cột “thuận”.
“Thử thời vận một lần nữa xem sao – Hắn nghĩ – Hai lần trước xôi hỏng bỏng không. Lần thứ ba là con số may mắn…”.